Trong đó, Phân xưởng Sửa chữa Điện tự động là một trong những đơn vị tiêu biểu của Công ty đi đầu thực hiện và duy trì tốt hoạt động 5S được Đoàn chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam đánh giá cao trong đợt đánh giá cấp chứng chỉ thực hành 5S vào ngày 27-28/7/2023 vừa qua.

Quang cảnh làm việc tại Phân xưởng gọn gàng, ngăn nắp
Là công cụ cải tiến năng suất chất lượng có nguồn gốc từ Nhật Bản, 5S được xem là phương pháp quản lý nhằm cải tiến môi trường làm việc, một chương trình hoạt động thường trực trong doanh nghiệp, đơn vị. Được đánh giá là phương pháp cải tiến rất đơn giản nhưng 5S lại rất hiệu quả trong thực tế, nơi nào có hoạt động thì nơi đó cần sắp xếp, phân loại, sạch sẽ.

Bảng tin hoạt động 5S được duy trì để tuyên truyền, ghi nhận các Kaizen, 5S trước và sau khi cải tiến
Mặc dù phạm vi quản lý rộng, nhiều vị trí, tổ, nhóm nhưng nhờ ý thức và tần suất thực hiện việc sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ của các CBCNV nên hoạt động cải tiến 5S tại Phân xưởng Điện Tự Động đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao hiệu suất lao động và cải thiện môi trường làm việc.
Ông Phan Nguyễn Anh Thư – Quản đốc Phân xưởng Sửa chữa Điện tự động cho biết: “Để mô hình 5S phát huy hiệu quả và duy trì ổn định, Phân xưởng đã hình thành những không gian sinh hoạt ngay trong xưởng làm việc, đó là những buổi sinh hoạt đầu giờ sản xuất, những bảng thông báo về tình hình thực hiện 5S. Từ đó, ý thức và tác phong làm việc của người lao động được nâng lên, không gian xưởng sản xuất trở nên gọn gàng, giảm thời gian tìm kiếm các vật tư, thiết bị cũng như đảm bảo được an toàn lao động.”

Khẩu hiệu 5S được treo tại phân xưởng để CBCNV cùng hợp tác thực hiện.
Tại đây, tất cả các thành viên trong Đội 5S cần nắm rõ vai trò trách nhiệm của mình, hiểu rõ các nguyên tắc 5S để có thể truyền đạt, tuyên truyền, đôn đốc các bộ phận trong đơn vị thực hiện tốt hoạt động 5S. Đồng thời, yêu cầu CBCNV của mỗi bộ phận phải hiểu rõ và vận dụng sáng tạo theo những cách riêng, để các kỹ thuật của 5S trở nên hiệu quả hơn, phù hợp hơn với tinh chất công việc đặc thù. Chương trình được triển khai theo từng bước rõ ràng với mục tiêu đã được phê duyệt.
Ở bước sàng lọc, Phân xưởng chọn ngày ra quân tổng vệ sinh, trong đó ghi lại hình ảnh trước khi thực hiện; đánh giá nội bộ và chụp hình sau mỗi lần đánh giá để so sánh sự thay đổi. Lãnh đạo đứng ra phát động, động viên toàn thể CBCNV tham gia với tinh thần tự giác, trách nhiệm và kỷ luật cao.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy – Công nhân Phân xưởng chia sẻ: “Ngay khi công ty triển khai thực hiện phương pháp 5S, chúng tôi đều ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường làm việc cũng như thói quen sắp xếp gọn gàng. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành nội quy lao động, chủ động sắp xếp mọi thứ ngăn nắp, thao tác nhanh hơn, tạo môi trường sạch sẽ và thoáng mát, tinh thần thoải mái khi làm việc”.

Hồ sơ được sắp xếp khoa học, hợp lý, danh mục rõ ràng

Thiết bị được sắp xếp gọn gàng và có bảng hướng dẫn sử dụng
Thực hiện bước sắp xếp, từng bộ phận thống nhất trong nội bộ hình thức sắp xếp các đồ vật, máy móc, tài liệu sao cho mọi thứ có thể dễ dàng sử dụng. Các đồ vật được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên có dán nhãn và đánh số để có thể dễ dàng nhận biết.
Việc thực hiện sạch sẽ được thể hiện qua ngày tổng vệ sinh cũng như lịch làm vệ sinh hàng ngày tại nơi làm việc. Luôn kiểm tra để bàn làm việc, máy móc, sàn nhà sạch sẽ, không bị bụi bẩn. Hàng ngày mỗi người dành thời gian từ 5 đến 10 phút để làm vệ sinh trước và sau giờ làm việc, tạo thói quen ngăn nắp và sạch sẽ.


Sàng lọc, sắp xếp thiết bị sản xuất theo tiêu chí:“dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy, dễ trả lại”
Định kỳ hàng tháng, Đội 5S của Phân xưởng sẽ tiến hành kiểm tra đồng loạt nơi làm việc, ghi nhận các vấn đề, tổng hợp các góp ý, chấm điểm và đánh giá một cách tổng thể những mặt mạnh, mặt yếu của từng tổ nhóm, đưa ra những vấn đề cần cải tiến trong tháng tiếp theo. Sau khi cải tiến sẽ chụp ảnh để so sánh. Từ đó, căn cứ để nhắc nhở, theo dõi sát sao hơn. Duy trì việc săn sóc, chuẩn hóa và bước vào tình trạng sẵn sàng công tác duy trì, phát triển môi trường làm việc tiêu chuẩn.
“Để đạt được những kết quả trên, Lãnh đạo phân xưởng, người phụ trách từng bộ phận, tổ nhóm đã gương mẫu và đi đầu trong việc thực hiện 5S, CBCNV Phân xưởng luôn tuân thủ các quy định chung, thực hiện tự giác và coi nơi làm việc như ngôi nhà chung. Nếu như trước đây, mọi người có thói quen làm việc theo chỉ tiêu được giao, không quan tâm đến việc phát huy khả năng sáng tạo trong công việc nhằm đảm bảo an toàn lao động, sắp xếp hợp lý vật tư thiết bị, thì từ khi áp dụng phương pháp 5S, đã góp phần thay đổi tác phong làm việc năng động, chuyên nghiệp hơn. Nhiều người thích ứng với công việc nhanh, hoàn thành vượt các chỉ tiêu được giao. Việc thực hiện 5S một cách tự giác đã tạo thành thói quen cũng như văn hoá của toàn Phân xưởng.” Anh Ngô Quốc Khải - Cán bộ phụ trách công tác 5S của Phân xưởng Sửa chữa Điện tự động chia sẻ.
Sau một thời gian triển khai và đổi mới, chương trình thực hành tốt 5S của Phân xưởng Sửa chữa Điện tự động đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên Đội 5S Phân xưởng xác định rằng đây chỉ mới là chặng đường đầu của quá trình. Việc duy trì bền vững và cải tiến không ngừng để 5S đồng hành và phát triển trong lao động sản xuất vẫn đang đặt ra nhiều thách thức phía trước mà toàn thể CBCNV Phân xưởng phải tiếp tục hoàn thiện, phát huy, với tinh thần đoàn kết và nỗ lực cao.
Định hướng tiếp theo, Phân xưởng sẽ đưa ra mục tiêu cụ thể, chi tiết cho từng hạng mục công việc, sắp xếp khoa học hơn nữa để tiến hành chương trình thuận lợi hơn, từ tổng thể công trình chung đến các thiết bị chi tiết đều được làm vệ sinh và chăm sóc định kỳ. Tại đây, mỗi CBCNV sẽ cảm nhận sự thay đổi mỗi ngày, ở mỗi hiện hữu nhỏ nhất. Những giá trị tinh thần của 5S cũng được thực hiện đồng bộ với phương pháp quản lý trực quan và đặc biệt là ý thức tự giác – năng động – sáng tạo thấm nhuần vào từng hành động của mỗi CBCNV Phân xưởng Sửa chữa Điện tự động.