EVNGENCO1 luôn chủ động trong các phương án cung ứng điện

Thứ năm, 17/11/2022 | 08:05 GMT+7
Việc đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện năng cho quốc gia luôn là một thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trước những ẩn số về kinh tế được dự báo cho năm tới, Thời Đại đã phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Khoa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) về những kết quả đã đạt được trong năm nay và dự định kế hoạch sản xuất cho năm 2023.

-Xin Ông cho biết một số kết quả hoạt động chủ yếu của EVNGENCO1 trong năm 2022, tính đến thời điểm này?

Trong 10 tháng đầu năm 2022, tần suất nước về các hồ thuỷ điện của Tổng công ty tốt hơn nhiều so với kế hoạch (65%), tất cả các nhà máy thuỷ điện (NMTĐ) của EVNGENCO1 đều đã hoàn thành vượt kế hoạch năm của Bộ Công thương (BCT)/EVN giao.

EVNGENCO1 luôn chủ động trong các phương án cung ứng điện
Ông Nguyễn Tiến Khoa, Chủ tịch HĐTV EVNGENCO1

Sản lượng điện sản xuất của toàn Tổng công ty đến 31/10/2022 là 25,74 tỷ kWh, đạt 103% so với kế hoạch 10 tháng BCT/EVN giao. Ước cả năm 2022 sản lượng điện sản xuất của toàn Tổng công ty là 30,49 tỷ kWh, đạt 101,36%. Ngoài các NMTĐ đạt kế hoạch sản lượng cao do thuận lợi về thuỷ văn, các Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) của EVNGENCO1 đã vượt qua giai đoạn khó khăn trong cung ứng than nội địa (khó khăn trong 04 tháng đầu năm 2022) và đạt được kết quả như sau: Uông Bí: 10 tháng đầu năm sản xuất được 3,2 tỷ kWh đạt 94,9% kế hoạch 10 tháng, đạt 78,9% kế hoạch năm và bằng 105% so với cùng kỳ 2021. Ước cả năm đạt 3,9 tỷ kWh, đạt 97,5% kế hoạch năm; Nghi Sơn 1: 10 tháng đầu năm sản xuất được 2,4 tỷ kWh đạt 84% kế hoạch 10 tháng, đạt 68,6% kế hoạch năm và bằng 76,8% so với cùng kỳ 2021. Ước cả năm đạt 2,83 tỷ kWh, đạt 80,86% kế hoạch năm; Duyên Hải 1: 10 tháng đầu năm sản xuất được 5,6 tỷ kWh đạt 88,5% kế hoạch 10 tháng, đạt 72,9% kế hoạch năm và bằng 100,8% so với cùng kỳ 2021. Ước cả năm đạt 7,07 tỷ kWh, đạt 92,2% kế hoạch năm; Quảng Ninh: 10 tháng đầu năm sản xuất được 6,04 tỷ kWh đạt 95% kế hoạch 10 tháng, đạt 79% kế hoạch năm và bằng 99,9% so với cùng kỳ 2021. Ước cả năm đạt 7,07 tỷ kWh, đạt 93,75% kế hoạch năm.

- Những khó khăn trong cung ứng than cho NMNĐ đã được xử lý sao, thưa Ông?

Dựa trên kế hoạch huy động nguồn được Bộ Công Thương giao từ cuối năm 2021, Tổng Công ty đã chủ động ký hợp đồng mua than nội địa và nhập khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu huy động các tổ máy nhiệt điện.

Từ cuối năm 2021 và trong năm 2022 giá than nhập khẩu tăng đột biến, có những thời điểm giá than đã vượt trên 400 USD/tấn, nên các tổ máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu trong năm 2022 được huy động rất ít, điều này gây khó khăn lớn cho công tác sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty.

Công tác cung ứng than nội địa đầu năm có trục trặc do thiếu nguồn cung, nhiều thời điểm trong tháng 3/2022 một số tổ máy nhiệt điện phải dừng phát điện vì thiếu than. Được sự chỉ đạo quyết liệt của EVN, Tổng Công ty đã nhiều lần làm việc với bên cung ứng than và tình hình cấp than đã được cải thiện. Chúng tôi cũng đã làm việc và có văn bản gửi các nhà cung ứng than đảm bảo cung cấp khối lượng than năm 2022 theo đúng hợp đồng đã ký.

Tổng Công ty sẽ tìm mọi giải pháp để đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản lượng điện do BCT/EVN giao năm 2022.

- Việc đảm bảo sản lượng điện trong bối cảnh có nhiều áp lực như hiện nay được EVNGENCO1 xây dựng các kịch bản thế nào, thưa Ông?

Tổng công ty phát điện 1 là đơn vị sản xuất điện lớn, hằng năm có thể sản xuất khoảng 40 tỷ kWh chiếm một tỷ lệ lớn của hệ thống điện Quốc gia. Nhằm có được một tầm nhìn dài hạn, nhận diện được những rủi ro có thể xảy ra, từ năm 2021 Tổng Công ty đã xây dựng đề án về sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021 đến 2025.

Đề án này đưa ra các kịch bản khác nhau từ kịch bản có chi phí sản xuất cao, rủi ro trong cung cấp nguyên, nhiên liệu đến kịch bản có chi phí sản xuất thấp có kết quả sản xuất kinh doanh tốt. Từ các kịch bản tính toán của Đề án, Tổng Công ty sẽ chủ động đưa ra các giải pháp khả thi, hiệu quả trong quản lý, điều hành phù hợp với điều kiện thực tế xảy ra để Tổng Công ty không rơi vào tình huống thụ động trong bất cứ lúc nào.

- Ông có nói EVNGENCO1 xây dựng kế hoạch dài hạn trong 5 năm, đây có thể được coi là khung dự kiến để điều chỉnh các hoạt động trong đó?

Ngoài kế hoạch của EVN giao thì chúng tôi luôn có kịch bản của Tổng công ty. Các kịch bản này đều được cập nhật kịp thời hàng tháng, hàng quý về những biến động để qua đó Tổng công ty điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất.

- Thực tế thì có những khía cạnh nào cần cân chỉnh để cho khớp giữa yêu cầu của EVN và của Tổng công ty Phát điện 1 không, thưa Ông?

Chúng tôi đương nhiên phải tuân thủ các quy định về phát điện và vận hành thị trường điện của Bộ Công thương và EVN. Là 1 doanh nghiệp thì EVNGENCO1 phải luôn luôn đảm bảo tối ưu hoá doanh thu và tiết giảm chi phí; và nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo cung ứng điện theo yêu cầu của hệ thống. Để đạt được đòi hỏi này thì Tổng công ty sẽ có các phương án huy động nguồn ở mức hợp lý nhất có thể.

- “Phương án huy động nguồn hợp lý” này thích ứng với thị trường điện cạnh tranh bán buôn hiện tại thế nào, thưa Ông?

Nguyên tắc của thị trường điện là những nguồn có chi phí thấp sẽ được ưu tiên huy động trước, vì vậy EVNGENCO1 phải có giải pháp trong quản lý, điều hành để chi phí sản xuất điện của Tổng Công ty thấp nhất, có thể cạnh tranh với các đơn vị phát điện khác trên thị trường điện cạnh tranh.

Trước mỗi ngày vận hành, Tổng Công ty có kịch bản tổng thể vận hành thị trường điện gửi các đơn vị thành viên, căn cứ vào kịch bản của Tổng Công ty, các đơn vị thành viên sẽ có phương án huy động nguồn của đơn vị mình để tối ưu doanh thu – chi phí.

- Kế hoạch cho năm 2023 của Tổng công ty dự kiến thế nào, thưa Ông?

Kế hoạch sản lượng năm 2023 đã được EVNGENCO1 tính toán và trình EVN là 36,53 tỷ kWh, tăng 19,8 % so với ước thực hiện năm 2022, trong đó kế hoạch sản lượng điện sản xuất năm 2023 của các đơn vị trực thuộc Tổng công ty là 26,6 tỷ kWh, tăng 34 % so với ước thực hiện năm 2022. Kế hoạch sản lượng điện sản xuất năm 2023 của các Công ty con, Công ty liên kết là 9,97 tỷ kWh, giảm 6,6 % so với ước thực hiện năm 2022 (sản lượng thực hiện của các NMTĐ năm 2022 rất cao do thuỷ văn thuận lợi).

Với kế hoạch sản xuất năm 2023 là 36,53 tỷ kWh được dự kiến, sản lượng điện sản xuất của EVNGENCO1 sẽ chiếm khoảng 12,6% điện sản xuất và mua toàn hệ thống ứng với phương án cơ sở; chiếm 12,4% điện sản xuất và mua toàn hệ thống ứng với phương án cao.

Tuy nhiên, theo phân tích, dự báo của EVNGENCO1 thì để đạt được kế hoạch sản lượng nêu trên Tổng Công ty phải có các giải pháp điều hành khả thi, quyết liệt mới có thể hoàn thành được.

- Để công việc tổng thể được chủ động và đạt hiệu quả cao nhất, Ông có kiến nghị gì về cơ chế hoạt động hiện nay?

Hiện tại Thủ tướng Chính phủ đã cho phép đơn vị phát điện được chủ động mua nhiên liệu phát điện. Đây là cơ chế tạo sự chủ động cho doanh nghiệp. Tuy nhiên với những điều kiện hiện nay thì vẫn có những rủi ro xảy ra. Chẳng hạn quy định hiện hành về công tác đấu thầu, trong công tác đấu thầu mua than, đơn vị trúng thầu là đơn vị có giá chào thấp nhất vì vậy sẽ có rủi ro và khó đảm bảo an ninh năng lượng khi giá than thị trường tăng cao. Lúc đó nếu bị lỗ các nhà cung ứng than sẽ tìm lý do để kéo dãn tiến độ hoặc dừng cấp than theo nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng, điều này dẫn đến các tổ máy sẽ thiếu than để phát điện.

Để tránh những rủi ro trong cung ứng nhiên liệu phát điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chúng ta cần có cơ chế đặc thù cho công tác mua than nhập khẩu được liên Bộ ngành thống nhất ban hành nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện.

Cũng cần nghiên cứu, xem xét cơ chế giao cho một doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm đơn vị đầu mối nhập khẩu than, sau đó TKV sẽ bán lại cho các đơn vị phát điện trong toàn quốc, điều này sẽ tăng tính an toàn hơn trong công tác cung ứng nhiên liệu phục vụ phát điện.

- Trước đòi hỏi giảm dần khai thác nhiên liệu hoá thạch, EVNGENCO1 xây dựng lộ trình thế nào, thưa Ông?

Như chúng ta đều biết COP 26 đưa ra mục tiêu đến năm 2050 mức phát thải ròng sẽ về 0, tuy nhiên cần phải hết sức thực tế trong nội dung này. Ở Việt Nam thì do những nhược điểm của năng lượng tái tạo nên trước mắt hệ thống điện vẫn chưa thể thiếu điện than, cho nên cần tính toán làm sao và có giải pháp khả thi, hiệu quả vừa đạt yêu cầu về biến đổi khí hậu nhưng cũng vừa đảm bảo khả năng cung ứng điện cho phát triển kinh tế-xã hội.

Trước bài toán khó này, EVNGENCO1 sẽ chú trọng vào đầu tư cho công nghệ môi trường của các nhà máy nhiệt điện hiện hữu nhằm đáp ứng Quy chuẩn môi trường hiện hành. Các dự án nguồn điện mới EVNGENCO1 sẽ tập trung đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, dự án sử dụng các công nghệ mới có mức phát thải thấp đáp ứng với xu thế phát triển của thời đại. Tầm nhìn dài hạn của EVNGENCO1 là sẽ trở thành đơn vị phát điện lớn và phát triển bền vững ngang tầm các đơn vị phát điện khu vực ASEAN.

Trân trọng cảm ơn Ông!

Theo evngenco1.com.vn